(TP.HCM) - (CAN THO) - (VP.MIEN TRUNG)
Thứ ba, 20/01/2015, 15:18 GMT+7

Những ký ức và kỷ niệm về một số hợp tác Pháp-Việt

Kỳ 5: TRUNG TÂM PHÂN TÍCH SOLAIZE (SCA) CỦA CNRS XÂY DỰNG TRUNG TÂM DỊCH VỤ PHÂN TÍCH THÌ NGHIỆM

Tháng 7 năm 1983, việc xây dựng về cơ bản đã được các bên chấp thuận. Lúc bấy giờ phát sinh các vấn đề thực tiễn trong quá trình thực hiện. Phía Việt Nam phụ trách về cơ sở hạ tầng và xây dựng các phòng thí nghiệm mới để tiếp nhận các trang thiết bị mới. Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) ngay lập tức cử sang Việt Nam kiến trúc sư Alain Legendre, đây là một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng các toà nhà dung cho mục đích khoa học được cử sang để phác hoạ bản đồ cũng  như giám sát quá trình xây dựng và trùng tu lại các toà nhà. Thật vậy, cần phải áp dụng các quy chuẩn quốc tế đối với các vấn đề an toàn của toà nhà (như là gaz, điện, nền nhà,….). SCA đảm nhiệm việc mua các trang thiết bị cho Trung tâm dưới sự trợ giúp về tài chính của CNRS và Bộ ngoại giao Pháp (MAE). Phần lớn máy phân tích hoá học đều do SCA ở Vernaison sản xuất và bán cho Việt Nam với giá rất ưu đãi.

Đội ngũ nhân viên của SCA thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ của mình để đảm bảo tiến độ hoàn thành các giai đoạn khác nhau trong quá trình xây dựng trung tâm. Đầu tiên là việc lắp đặt hệ thiết bị phân tích nguyên tố giống như các hệ thiết bị được sử dụng trong các phòng thí nghiệm của SCA. Giai đoạn này kéo dài khoảng 3 năm. Giai đoạn này giải quyết được vấn đề khẩn thiết nhất của phân tích hoá học mà Việt Nam đang rất cần. Tiếp đến là lắp đăt hệ thiết bị phân tích lý hoá phức tạp hơn như là máy phân tích Sắc ký, máy phân tích Sắc ký ghép khối phổ và cuối cùng là máy Cộng hưởng từ hạt nhân. Việc trang bị đồng bộ các thiết bị này giúp giải quyết nhiều vấn đề trong phân tích hóa lý nhằm đáp ứng được các yêu cầu của ngành công nghiệp vừa đáp ứng được các yêu cầu nghiên cứu cơ bản.

Một vấn đề khác cũng cần giải quyết đó là tuyển chọn Giám đốc Trung tâm. Về vấn đề này, tôi đã làm việc với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Phó chủ tịch Uỷ ban khoa học kỹ thuật Nhà nước. Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân đã chỉ định 2 người theo sát quá trình xây dựng Trung tâm. Đó là: Tiến sĩ Phạm Hùng Phi, Phó Chủ nhiệm ủy ban khoa học kỹ thuật thành phố và giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn. Theo như kiến nghị của chúng tôi, vài năm sau giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn được bầu làm Giám đốc Trung tâm và Tiến sĩ Phạm Hùng Phi được bầu làm Phó Giám đốc Trung tâm. Đội ngũ cán bộ tương lai của Trung tâm được lựa chọn từ những người tham gia hội thảo mùa hè, sẽ được cử đến SCA trong khoảng thời gian từ 3 tháng đến 1 năm để học các kỹ thuật sau này sẽ áp dụng tại Trung tâm. Kinh phí đào tạo phân bổ từng giai đoạn theo suốt quá trình xây dựng Trung tâm do CNRS và MAE tài trợ và do SCA phân bổ. Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn và đội ngũ của SCA đã quyết định đăt tên cho Trung tâm là: Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm (CSAE). Cái tên này nói lên được bản chất dịch vụ của Trung tâm nhưng cũng nêu lên được phương diện nghiên cứu mà CSAE sẽ thực hiện tại Việt Nam cũng giống như SCA của CNRS thực hiện tại Pháp.

Vào năm 1990, cả 2 phía Pháp và Việt Nam chính thức khánh thành CSAE. Tham dự lễ khánh thành có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp - ngài Roland Dumas; Đại sứ Pháp - Ngài Claude Blanchemaison; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và phó chủ tịch Uỷ ban khoa học kỹ thuật Nhà nước, Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân.

Đến nay CSAE vẫn được Tổ chức Chứng nhận Quốc tế AFAQ cấp chứng chỉ ISO 9001 và Hệ thống công nhận phòng thử nghiệm, hiệu chuẩn của Việt Nam VILAS cấp chứng chỉ ISO 17025. Đây là sự xác nhận chất lượng họat động thử nghiệm và hiệu chuẩn của CASE

Về quản lý tài chính, CSAE được đặt dưới sự kiểm sóat của Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2011. CSAE gửi báo cáo đến UBND thành phố thông qua Sở khoa học và Công nghệ Tp.HCM. Về vấn đề hợp tác với Pháp, CSAE và SCA đã ký kết thoả thuận hợp tác kết nghĩa. Đây là thoả thuận quan trọng đầu tiên mà CNRS ký với Việt Nam. CSAE thành lập Hội đồng khoa học, về phía Pháp bao gồm Ban giám đốc Hoá học của CNRS, những người phụ trách SCA; về phía Việt Nam có Chủ nhiệm ủy Ban khoa học kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh (SST) nay là Sở khoa học và Công nghệ Tp.HCM và Ban Giám Đốc CSAE. Cuộc họp thường niên được tổ chức hàng năm để dự toán kinh phí của CSAE cũng như là đánh giá nhu cầu đào tạo. Người thường xuyên tham gia các cuộc họp này từ khi thành lập CSAE là một trong số các Giám đốc của Sở khoa học và Công nghệ Tp.HCM - ông Nguyễn Thiện Nhân, người sau này trở thành Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, rồi Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo, sau đó là Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và hiện nay là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Chuyến thăm tỉnh lân cận thành phố Hồ Chí Minh. Từ trái sang: Số 2: Tiến sĩ Nguyễn Thới Lai (đại học Orsay), Số 3:  Giáo sư Trần Minh Đức (đại học Lyon I).  Số 6 : Tiến sĩ Robert Semet (SCA)
Chuyến thăm SCA tại Vernaison của nhóm chuyên gia Paris. Từ trái sang: Số 2 Tiến sĩ Phạm Quang Thọ (SCA), số 3 Tiến sĩ Phạm Tú Mạnh (CNRS), số 4 tiến sĩ Trần Tuyết Mai (Saclay), số 5 Tiến sĩ Lê Quang Trạch (industriel)
Ký kết thoả thuận Việt Nam – Pháp về việc xây dựng CSAE tại hội thảo mùa hè hoá học phân tích tháng 8/1983
Hàng đầu tiên từ trái qua phải: Tiến sĩ Robert Semet, Tiến sĩ Alain Lamotte (Giám đốc SCA), Tiến sĩ Pierre Vermeulin (Phó giám đốc ngành Hoá học của CNRS), Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn (Chủ nhiệm Ủy ban khoa học kỹ thuật TP Hồ Chí Minh),Ttiến sĩ Phạm Hùng Phi (Phó Chủ nhiệm Ủy ban khoa học kỹ thuật TP Hồ Chí Minh), Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn (Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh). Hàng thứ 2: Ông Alain Legendre, kiến trúc sư của CNRS, phía sau là Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thiện (Giám đốc Trung tâm III)
 
Ngày 26/02/1990: Lễ khánh thành CSAE với sự tham gia của Bộ trưởng bộ ngoại giao Pháp, ngài Roland Dumas
Từ phải qua trái, hàng đầu tiên: Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân, chủ tịch Uỷ ban khoa học kỹ thuật Nhà nước Việt Nam;  ông Claude Blanchemaison, Đại sứ Pháp tại Việt Nam, bà X?, Tiến sĩ Robert Semet, tiến sĩ Pierre Vermeulin, Tiến sĩ Alain Lamotte, tiến sĩ Phạm Quang Thọ, Giáo sư Nguyễn Quý Đạo.

Tác giả: Nguyễn Quý Đạo
Chịu trách nhiệm đăng tải: Chu Vân Hải

 

Copyright © 2008-2024 case.vn, All right reserved Contact us - About Case
Design by case.vn - Counter : 7088051 | Online : 286