(TP.HCM) - (CAN THO) - (VP.MIEN TRUNG)
Thứ hai, 24/07/2017, 9:48 GMT+7

HEPATITIS A VIRUS

Gần đây, ô nhiễm thực phẩm do nhiễm virus cũng được quan tâm, báo động từ phía cơ quan quản lý đến người tiêu dùng trong nước và thị trường xuất khẩu.

Trong thời gian qua, việc tìm nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm, ngoài các yếu tố hóa học và vật lý, các nhà khoa học thường đặt trọng tâm vào việc kiểm soát sự lây nhiễm của các yếu tố sinh học làm cho thực phẩm bị ô nhiễm như vi khuẩn, virus và ký sinh trùng gây bệnh. Nhiễm khuẩn là trường hợp thường gặp nhất, chiếm tới 50 đến 60% các ca ngộ độc. Một số loại vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm thường gặp là Bacillus cereus, Escherichia coli, Campylobacter jejuni, Listeria monocytogenes, Shigella spp., Salmomella spp., Vibrio parahemolyticus, Staphylococcus aureus, Clostridium perfringens,…

Gần đây, ô nhiễm thực phẩm do nhiễm virus cũng được quan tâm, báo động từ phía cơ quan quản lý đến người tiêu dùng trong nước và thị trường xuất khẩu. Các virus gây ngộ độc thực phẩm thường được chia thành ba nhóm chính: (1) gây rối loạn tiêu hóa do nhóm Norovirus, Rotavirus; (2) gây viêm gan do nhóm Hepatitis; (3) gây những bệnh khác do nhóm Enterovirus. Trong đó, nhóm virus thực phẩm gây viêm gan A thường được quan tâm nhất.

Viêm gan A là bệnh truyền nhiễm cấp tính tại gan, thường lây qua đường tiêu hóa, qua thực phẩm và nước nhiễm bẩn. Khả năng nhiễm bệnh khi tiếp xúc trực tiếp hoặc sinh hoạt chung với người nhiễm virus Hepatitis A (HAV) cũng rất cao. Bệnh viêm gan A có thể gặp trên toàn thế giới, tản phát hoặc gây dịch lưu hành. Trên toàn cầu, theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính mỗi năm có khoảng 1,4 triệu người bị mắc bệnh viêm gan A. Số mắc bệnh nhiều nhất là ở châu Á, châu Phi, châu Âu và Đông Âu; tuy vậy do việc phát hiện và báo cáo chưa đầy đủ nên số mắc bệnh thực sự vẫn có thể cao hơn gấp 3 đến 10 lần con số được ghi nhận. Trước đây ở Trung Quốc vào năm 1988 đã bùng phát vụ dịch bệnh viêm gan A tại thành phố Thượng Hải do người dân ăn sò, hến; tương tự như vụ dịch xảy ra ở Mỹ làm cho khoảng 300.000 người bị mắc bệnh trong vòng chỉ vài tháng, trong đó có 50% người trưởng thành bị nhiễm bệnh. Ở nước ta, bệnh viêm gan A cũng thường gặp chủ yếu ở trẻ em; một số các nghiên cứu trước đây của các nhà khoa học ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh tỷ lệ nhiễm HAV chiếm khoảng 51,35%; ở thành phố Hà Nội tỷ lệ này chiếm khoảng 28,7%.

Khả năng phân bố của Hepatitis A theo khu vực địa lý

Hepatitis A (HAV) thuộc họ Picornaviridae, thuộc nhóm Piconavirus, hình khối đa diện (hoặc hình cầu) đường kính 27 nm. Trọng lượng phân tử 2,5 triệu dalton, capsid đối xứng hình hộp với 20 mặt là tam giác đều nên hình thể giống hình cầu, không có bao ngoài (virus trần). 

Cấu trúc của HAV

 Hệ gen gồm có 1 một sợi đơn RNA xoắn, dài khoảng 7500 base. Sợi này được bao quanh bởi 1 capsid gồm có 3 protein cấu trúc (VP1, VP2 và VP3). HAV tồn tại trong máu rất ngắn nên khó phân lập được trong huyết thanh. Có khả năng sống ở -250C trong 6 tháng, ở 1000C bị chết trong vài phút.

Cấu trúc bộ gen HAV

Hiện nay, có nhiều phương pháp được sử dụng để chẩn đoán virus gây bệnh từ thực phẩm. Phương pháp phát hiện virus trực tiếp bằng kính hiển vi điện tử hoặc thông qua phương pháp cấy tế bào (Culture cellulaire). Ngoài ra còn có các phương pháp gián tiếp khác như tìm kháng thể bằng kỹ thuật ELISA (Enzyme-Linked ImmunoSorbent Assay), phương pháp phát hiện kháng nguyên và vị trí khu trú của chúng bằng kỹ thuật miễn dịch huỳnh quang (Immunofluorescence).

Bên cạnh đó, việc ứng dụng các kỹ thuật sinh học phân tử hiện đại để phát hiện virus gây bệnh trong thực phẩm ngày càng được phổ biến như kỹ thuật phản ứng chuỗi polymerase sao chép ngược RT-PCR (Reverse Transcription PCR) hoặc Real-Time RT-PCR (Real-Time Reverse Transcription PCR). Đây là phương pháp được đánh giá là cho kết quả nhanh, chính xác và tin cậy hơn so với các kỹ thuật thường được sử dụng từ trước tới nay.

Nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cường tầm soát virus Hepatitis A đối với các mặt hàng đông lạnh xuất khẩu từ phía cơ quan quản lý, doanh nghiệp sản xuất và chế biến thủy hải sản,… Phòng Vi sinh-CASE đã tiến hành xây dựng phương pháp và triển khai phân tích chỉ tiêu này bằng kỹ thuật Real-Time Reverse Transcription PCR.

Kết quả phân tích HAV trên máy Realtime PCR ABI 7500 tại CASE

Th.S Trương Huỳnh Anh Vũ

Tài liệu tham khảo

http://vncdc.gov.vn/vi/danh-muc-benh-truyen-nhiem/1102/benh-viem-gan-vi-rut
https://syt.thuathienhue.gov.vn/?gd=57&cn=96&tc=3487
http://virology-online.com/viruses/HepatitisA.htm
https://www.fda.gov/Food/RecallsOutbreaksEmergencies/Outbreaks/ucm561199.htm#table
http://resscientiae.wikia.com/wiki/File:HAV_genoom.gif



Copyright © 2008-2024 case.vn, All right reserved Contact us - About Case
Design by case.vn - Counter : 7086492 | Online : 1152