(TP.HCM) - (CAN THO) - (VP.MIEN TRUNG)
Thứ hai, 08/08/2016, 14:51 GMT+7

“Khoa học công nghệ là cái phao giúp doanh nghiệp khỏi chết chìm”

Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đóng vai trò đột phá trong sự phát triển của doanh nghiệp. Do đó, phải thay đổi nhận thức của các ông chủ, bà chủ để doanh nghiệp coi KH&CN là cần thiết, gắn với khởi nghiệp và sáng tạo.

Độc giả tìm hiểu thông tin Hành trình 40 năm hình thành và phát triển của Sở KH&CN TP.HCM tại http://40nam.dost.hochiminhcity.gov.vn/

Muốn phát triển phải có sự gắn kết của “5 nhà”

Tham dự buổi tọa đàm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tâm sự: “Tôi rất xúc động, như được trở lại ngôi nhà xưa, khuôn viên xưa, như được sống lại những ngày tháng làm việc, họp giao ban thường niên cách đây gần 10 năm”.

Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng chia sẻ rất nhiều kỷ niệm đã từng gắn bó từ ngày mới đầu nhận cương vị tại Sở KH&CN TP.HCM.

“Nhớ lại thời kỳ đó, khi hỏi các doanh nghiệp là các ông cần gì, sau khi thuyết minh nửa tiếng với Giám đốc các doanh nghiệp về tiềm lực khoa học thành phố, họ đều trả lời với chúng tôi là “tiền”. Tôi chào hàng hơn 20 Giám đốc thì không ai nói cần khoa học công nghệ cả. Lúc đó, tôi đã nghĩ, mình làm Giám đốc Sở KH&CN thế này thì sai rồi, đáng ra phải làm ở Sở kế hoạch hay tài chính mới đúng. Tôi nghĩ với cương vị là Giám đốc Sở KH&CN, nếu mình không thay đổi được nhận thức của các giám đốc doanh nghiệp thì sẽ không ai dùng đến khoa học công nghệ”.

Từ câu chuyện đó, Sở đã đi khảo sát 25 doanh nghiệp thành đạt nhất, sử dụng công nghệ tốt nhất thì phát hiện ra trướcđó 10 năm họ từng rơi vào tình trạng sắp phá sản và họ đã dùng khoa học công nghệ như một cứu cánh.

“Tôi nhận ra khoa học công nghệ chính là cái phao giúp doanh nghiệp khỏi chết chìm", ông Nguyễn Thiện nhân nói.

Từ đó, Sở KH&CN TP.HCM quyết định đề xuất với lãnh đạo thành phố tổ chức chương trình đào tạo 1000 giám đốc nhằm nâng cao hiểu biết của họ về KH&CN để ứng dụng và phát triển doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ tại buổi tọa đàm “Phát huy truyền thống đoàn kết – Sáng tạo – Phấn đấu vì thành phố đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp” của Sở KH&CN TP.HCM. Ảnh: Chu Dũng

"Tôi cho rằng, bài học mà tôi luôn lưu tâm từ khi còn công tác tại Sở cho đến giờ là khoa học muốn phát triển phải gắn với doanh nghiệp, gắn với đào tạo, gắn với nhà nước. Thành phố muốn phát triển thì cần phải có sự gắn kết giữa 5 nhà: doanh nghiệp – khoa học – nhà nước – nhà trường và nhà mạng. Phải có nhà mạng để tiết kiệm chi phí, bởi muốn tiến tới thành phố thông minh tức là phải sử dụng không gian mạng thu thập thông tin để vận hành".

Nhà khoa học Việt Nam có khả năng sáng tạo rất tốt

Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nguyễn Thiện Nhân cũng đánh giá cao sự sáng tạo của các nhà khoa học Việt Nam. Có lần tôi đi thăm 1 cty tư nhân ở Quận 5, sau khi mua 1 cái máy nhập khẩu để nhuộm màu trên nhựa giá 30.000 đô họ đã chế tạo ra máy có công suất và tính năng tương tự chỉ có giá 200 triệu đồng.

Tôi đã từng đặt hàng bên ĐH Bách Khoa, ĐH Nông lâm chế tạo cái máy vắt sữa bò cho bà con nông dân, vì máy nhập khẩu đắt quá gần 20 triệu, bà con không có tiền mua. Các nhà khoa học đã gỡ máy của Ý, Đức ra nghiên cứu rồi chế tạo ra cái máy của Việt Nam, chỉ có giá 10 triệu đồng. Bà con nông dân sung sướng lắm. Mới đây, tôi xuống thăm 1 hợp tác xã bò sữa, họ đang sử dụng máy vắt sữa của Việt Nam, tức là công nghệ của chúng ta sản xuất cách đây hơn 10 năm vẫn sống tốt.

Phải phát huy nguồn lực con người bằng khởi nghiệp

Quay lại với câu chuyện hiện tại, ông Nhân đưa ra những con số chứng minh TP.HCM là trung tâm kinh tế của cả nước: "Thành phố có dân số chiếm 9%, lao động 7,8%, GDP 3% và thu ngân sách là 33% của cả nước. Bình quân một km2, thành phố có 1971 lao động, 1000 người đang làm việc, gấp 13 lần so với con số 149 người/1 km2 trung bình lao động cả nước. Cứ một lao động TP.HCM làm bằng 3,5 lần lao động ở 62 tỉnh thành còn lại. Còn về năng suất, Thành phố gấp 3,5 lần bình quân phần còn lại của cả nước (cứ 1 lao động thành phố làm bằng 3,5 lần lao động ở 62 tỉnh thành còn lại).

Theo ông, vùng còn lại tự do về chính sách, về tài khoá, tài chính để phát triển đất nước là không nhiều. Trong khi, chúng ta đang phải kiểm soát lạm phát, nợ công của Việt Nam hiện nay là 62,5% mà Quốc hội quy định có 65%. Như vậy, muốn thúc đẩy phát triển mà chúng ta chỉ dựa vào phần nguồn lực bị hạn chế thì rất khó phát triển. "Tôi nghĩ, muốn phát triển nhanh phải dựa vào nguồn lực có chiều hướng tăng lên. Đó là con người. Lao động Việt Nam còn tăng 30 năm nữa. Nguồn lực này đang dư thừa tương đối và còn tăng đột phá trong nhiều năm nữa. Chúng ta phải tận dụng điều này", ông Nhân khẳng định.

So với cả nước, chất lượng nhân lực TP.HCM chắc chắn cao hơn về trình độ đào tạo và nhân lực nghiên cứu. Do đó, theo ông Nhân, để phát huy nguồn lực con người, thì phải có khởi nghiệp. Mỗi năm chúng ta có hơn 900.000 lao động, 1.000.000 người đi tìm việc làm. Câu chuyện khởi nghiệp chính là câu chuyện phát huy tiềm năng con người của đất nước này.

30 năm đổi mới, chúng ta có nửa triệu doanh nghiệp. Chính phủ phấn đấu năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp. Trong đó, TP.HCM hiện nay có 260.000 doanh nghiệp, phấn đấu có nửa triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Và KH&CN sẽ đóng vai trò đột phá trong sự phát triển của doanh nghiệp. Chúng ta giúp đào tạo chủ doanh nghiệp tương lai để họ biết quản trị doanh nghiệp, biết khai thác KH&CN. Để những doanh nghiệp khi nhắc đến KH&CN sẽ cười tươi chứ không phải là câu “chúng tôi chỉ cần tiền”. "Phải thay đổi nhận thức của các ông chủ, bà chủ để doanh nghiệp coi KH&CN là cần thiết, gắn với khởi nghiệp và sáng tạo. Doanh nghiệp cần phải được tư vấn về công nghệ. Rất mong Sở có chương trình tư vấn về công nghệ cho các doanh nghiệp mới và phát triển chợ khoa học và công nghệ. Từ đó, họ tìm kiếm được những giải pháp họ cần một cách dễ dàng khi “đi chợ”", ông Nhân đề nghị.

Để kết thúc phần chia sẻ của mình, nguyên Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM nói: "Căn phòng nhỏ này không thay đổi gì sau 40 năm, nhưng những người ngồi đây đã và sẽ thay đổi nhận thức để thành phố phát triển. Cho nên, không phải cứ xây nhà mới mới có ý tưởng mới đâu, có thể ngồi trong nhà cũ vẫn có ý tưởng mới".

Trúc Phượng - Hà Thế An (khampha.vn)

Copyright © 2008-2024 case.vn, All right reserved Contact us - About Case
Design by case.vn - Counter : 7042786 | Online : 270