(TP.HCM) - (CAN THO) - (VP.MIEN TRUNG)
Thứ ba, 25/04/2017, 9:11 GMT+7

CASE: Chống thực phẩm bẩn phải tận tâm, chính xác và uy tín

"Những kết quả CASE đạt được không thua kém các trung tâm nghiên cứu của Bộ", Phó Thủ tướng nhận xét.

Trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn nhiều cam go và thách thức, có sự đóng góp không ít từ nhiều cơ quan và tổ chức. Đáng kể nhất là Trung tâm Dịch vụ Phân tích thí nghiệm TP.HCM (CASE), một đơn vị đầu ngành nhiều năm qua đã phát hiện được rất nhiều mẫu thực phẩm bẩn trên thị trường.

Với tuổi đời trên 30 năm, CASE hiện là một trong các trung tâm thí nghiệm đứng đầu cả nước, cả về nhân lực, cơ sở vật chất lẫn kinh nghiệm. Đến nay, Trung tâm đã có gần 200 viên chức/người lao động, 11 phòng ban và 2  trụ sở hoạt động.

Nói về nguồn nhân lực của đơn vị, bà Chu Vân Hải - Giám đốc CASE cho biết: Chúng tôi đã có 30 năm hoạt động, nên nhân lực được rèn giũa và nhiều kinh nghiệm. Bên cạnh đào tạo nội bộ, các cá nhân cũng tự đề xuất tham gia các khóa đào tạo, được cơ quan cử đi tham dự hội nghị, hội thảo, đào tạo trong nước và nước ngoài nên các phương pháp đều phù hợp xu hướng thế giới.

Không chạy theo lợi nhuận

Nhờ năng lực đào tạo căn bản và chuyên nghiệp, CASE đã không ít lần giúp đỡ được các cơ quan chức năng phát hiện các mẫu thực phẩm bẩn. Một trong các "chiến công" có thể kể đến của CASE là vụ phát hiện sữa nhiễm melamine năm 2008.

Vì đã có quy trình phân tích melamine trong nhựa, bao bì, đơn vị này đã nhanh chóng phát triển quy trình phân tích melamine trong thực phẩm. Nhờ đó hỗ trợ Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương sớm phát hiện và tiến hành tiêu hủy các lô hàng có sử dụng độc chất.

Trong vài năm trở lại đây, chất tạo nạc cấm trong thịt heo (Salbutamol hay Clenbuterol) cũng gây xôn xao dư luận không ít. CASE cùng các đơn vị khác và Cục chăn nuôi - Bộ NN&PTNT kiểm định các kit que thử nhanh, hỗ trợ Sở NN&PTNT của 8 tỉnh phía Nam kiểm tra, ngăn chặn được một lượng lớn thịt sử dụng chất cấm tiếp cận với người tiêu dùng.

Một thành tựu khác của CASE là phát triển thành công quy trình phân tích vàng ô (Auramine O) bằng phương pháp sắc ký lỏng ghép khối phổ 2 lần (LC/MS/MS). Quy trình này cho kết quả phân tích diễn ra chỉ sau 2 - 5 ngày.

Riêng các trường hợp khẩn cấp, CASE có thể đáp ứng chỉ trong 1 ngày. Vàng ô là một chất màu được dùng để nhuộm vải, sơn tường. Song không ít người kinh doanh vì lợi nhuận đã dùng hóa chất trên nhuộm măng để có được sản phẩm có màu bắt mắt với người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, CASE còn tham gia góp ý và giúp làm sáng tỏ một số kết quả phân tích đến từ các phòng thí nghiệm khác.

Đặc biệt khi thông tin nước mắm có nhiễm Asen (As) xuất hiện, bà Chu Vân Hải đã nhanh chóng khẳng định, chỉ As vô cơ mới có hại, còn As hữu cơ không có vấn đề gì: "Nước mắm sản xuất từ quá trình lên men cá, mà Asen (As) trong cá thường nằm ở dạng hữu cơ (chiếm 90%), trong đó chủ yếu là tồn tại ở dạng arsenobetaine. Do đó, cần kiểm dạng As vô cơ trong nước mắm, nếu vượt ngưỡng thì mới có độc hại".

Bà Chu Vân Hải (thứ ba từ phải sang) và các nhân viên CASE.

Tuy bắt đầu tự chủ tài chính từ 2008, song CASE không hoàn toàn chạy theo lợi nhuận mà vẫn luôn giữ lại các giá trị cốt lõi của chính mình, đó là sự tận tâm, chính xác và uy tín.

"Ví dụ một doanh nghiệp sản xuất nước giải khát, họ đang muốn bổ sung thêm Vitamin C để công bố trên nhãn sản phẩm. Nhưng trong quá trình sản xuất, Vitamin C bị thất thoát mà doanh nghiệp không biết. Sự tận tâm nằm ở chỗ chúng tôi hỗ trợ họ tìm nguyên nhân thất thoát từ đâu. Và tư vấn họ để nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, kết quả của mình chính xác khi mình đưa ra những phân tích khoa học mà họ cảm thấy rất phù hợp. Từ những cái đó sẽ tạo ra uy tín của mình", TS Hải nói.

Chính từ các giá trị trên, CASE đã giành được tín nhiệm từ không ít các doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước. Đặc biệt, đơn vị này còn được Bộ Nông nghiệp Indonesia công nhận là phòng thử nghiệm thực hiện kiểm soát an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống xuất khẩu sang nước này.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá: "Trung tâm chỉ là một đơn vị cấp 3, nhưng những kết quả nghiên cứu, đào tạo và đóng góp cho xã hội thì không thua kém gì so với các trung tâm nghiên cứu của Bộ".

Đam mê sẽ giúp vượt qua khó khăn

Nhưng nói vậy không có nghĩa rằng CASE không gặp khó khăn trở ngại nào trong công tác. Để đáp ứng các tôn chỉ hoạt động cũng như các tiêu chuẩn quốc tế, ví như ISO/IEC 17025:2005, nhiều quy trình phân tích phải tuân thủ thời gian phân tích để đáp ứng tính chính xác.

TS Hải chia sẻ: "Phần chính xác đó, trung tâm vẫn thực hiện hàng ngày, thông qua phần đảm bảo chất lượng kết quả thử nghiệm, kiểm tra tay nghề nhân viên; thông qua các chương trình thử nghiệm thành thạo trong nước hoặc quốc tế. Những yếu tố đó góp phần tạo ra sự chính xác cho kết quả".

Tuy nhiên vẫn có những vụ việc mà CASE buộc phải huy động tối đa nguồn lực để hỗ trợ các cơ quan chức năng. "Như câu chuyện ngộ độc thực phẩm, chúng tôi luôn phải làm nhanh, ở dạng khẩn cấp, mà phải đảm bảo chính xác, để có thể cứu người. Những vụ ngộ độc đó, trung tâm phải huy động hết nguồn lực, dành hết các trang thiết bị, cùng đồng hành với công tác cứu người", Giám đốc CASE tâm sự.

Bên cạnh đó, CASE cũng mong muốn Nhà nước quản lý mạng lưới các phòng thí nghiệm đạt chuẩn và có uy tín. Từ đó giúp "chuẩn hóa" giá trị các bản phân tích nhằm giúp người tiêu dùng có được thông tin công tâm và chính xác hơn.

Không chỉ thế, việc lập ra được mạng lưới các phòng thí nghiệm có uy tín còn giúp các đơn vị như CASE đỡ bị quá tải. Vì số lượng sản phẩm mẫu được gửi về hàng ngày là rất nhiều nhưng nhiều phương pháp phân tích đòi hỏi phải có thời gian. Việc này dẫn tới tình trạng có những mẫu sản phẩm tươi sống có thời gian "sống" rất ngắn nhưng vì mọi thiết bị đều "đang bận" nên không phân tích kịp.

Hoặc mẫu sản phẩm cần phân tích nằm ở các địa phương xa xôi và quá trình vận chuyển gây tốn kém thêm thời gian không cần thiết. Vì vậy, rất cần có một mạng lưới các phòng thí nghiệm đạt chuẩn để không chỉ tháo gỡ bớt khó khăn cho CASE mà còn giúp Ban Quản lý VSATTP chủ động hơn.

Dù gặp nhiều áp lực và khó khăn là thế, đặc biệt trong cuộc chiến với thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhưng đơn vị được nhiều cơ quan chức năng đặt niềm tin này vẫn luôn tìm được niềm vui và tận tâm với công việc của mình.

TS Hải đúc kết: "Công việc luôn làm về độc chất, luôn gặp các khó khăn và cần sự chính xác, nhìn chung cần phải có sự đam mê. Đam mê nghề nghiệp sẽ giúp chúng ta vượt qua được hết mọi khó khăn. Chính là đam mê khi tìm niềm vui cho cả xã hội và cảm thấy có trách nhiệm với công việc của chính mình".

Huyền Thế - Hà Thế An (http://khampha.vn/)

Copyright © 2008-2024 case.vn, All right reserved Contact us - About Case
Design by case.vn - Counter : 7097828 | Online : 278