(TP.HCM) - (CAN THO) - (VP.MIEN TRUNG)
Thứ tư, 29/11/2017, 10:18 GMT+7

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4: "Chìa khoá" tăng năng suất lao động Việt Nam

Với nền kinh tế năng động và dễ thích ứng như Việt Nam, sáng tạo, công nghệ mới là cơ hội, hy vọng động lực dẫn dắt tạo nguồn tăng trưởng tương lai.

Để bắt đầu, chúng ta cần phải đầu tư dài hạn cho nguồn lực con người, nhằm nâng cao tay nghề kĩ thuật cho thế hệ tiếp theo và phải đặt trọng tâm vào phát triển môi trường kinh doanh trong nước.

Đánh giá về tác động của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 trên thế giới, nhóm các học giả, chuyên gia kinh tế trong nước và của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (Worldbank) vừa đưa ra nhận định, bổ sung vào khuyến nghị đối với Việt Nam trong Báo cáo 2035 (Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ).


Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã, đang và sẽ thay đổi lực lượng sản xuất, cơ hội và thách thức cho Việt Nam.

Theo đánh giá của nhóm chuyên gia quốc tế, đổi mới công nghệ được thúc đẩy và hỗ trợ bởi cuộc cách mạng thông tin, sẽ làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất và thương mại trên toàn thế giới. Những tiến bộ về công nghệ số như công nghệ in ba chiều (3D), công nghệ vi điều chỉnh được chương trình hóa và điều khiển số máy tính thế hệ 2 đã tạo thuận lợi cho sản xuất các sản phẩm chất lượng cao theo nhu cầu riêng một cách dễ dàng và rẻ hơn.

Những tiến bộ lớn về năng lượng tái tạo (như năng lượng mặt trời) đang tạo ra thách thức ngày càng tăng đối với các nguồn năng lượng truyền thống thường gây hại tới môi trường. Công nghệ gen thế hệ mới và các tiến bộ khác trong lĩnh vực sinh học cũng sẽ mở ra ngành công nghiệp giá trị hàng ngàn tỷ USD trong thập kỷ tới, đồng thời giúp kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống con người.

Người máy hiện đại đang được sử dụng trong các công xưởng với cấp số nhân, làm tăng năng suất và tiết kiệm chi phí. Trong khi đó, cuộc cách mạng thông tin tạo tiền đề cho những đổi mới đột phá về mô hình kinh doanh. Internet đã xóa bỏ nhiều lợi thế thông tin của phương thức sản xuất tập trung và chia sẻ chi phí.

Hầu hết các xu hướng trên đều mang lại cơ hội tốt. Nhưng chúng cũng có thể đi kèm những tác động phụ với những hệ quả ngoài dự kiến và cần được quản lý tốt. Công nghệ mới đòi hỏi kĩ năng cao, tiết kiệm lao động nên các ngành nghề phổ thông thuộc nhóm thu nhập trung bình sẽ dần biến mất.

Ngay ở thời điểm này, công nghệ mới của thế giới đã thay thế lao động thủ công trong nhiều ngành từ dệt may đến kim khí. Tiến bộ công nghệ khiến khoảng cách giữa năng suất và tiền lương trở nên lớn hơn, quá trình công nghiệp hóa sẽ sớm chết yểu tại các nước đang phát triển, một phần do tự động hóa.

Đối với Việt Nam, PGS, TS Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ KH&ĐT cho rằng: Với một nền kinh tế năng động và dễ thích ứng như Việt Nam, sáng tạo, công nghệ mới là cơ hội, hy vọng động lực dẫn dắt tạo nguồn tăng trưởng tương lai. Để bắt đầu, chúng ta cần phải đầu tư dài hạn cho nguồn lực con người, nhằm nâng cao tay nghề kĩ thuật cho thế hệ tiếp theo và phải đặt trọng tâm vào phát triển môi trường kinh doanh trong nước.

Hiện nay, đầu tư cho khoa học công nghệ của Việt Nam còn ít về vốn, hạn chế về hiệu quả. Từ góc độ nhà nước, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Việc chúng ta chi đầu tư ít hơn cho khoa học công nghệ trong tổng chi ngân sách là xuất phát từ nhiệm vụ chi cho cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển, chi thường xuyên cao. Đây là điều dễ hiểu đối với nước đang và chậm phát triển.

Tuy nhiên, trong tình hình mới, Việt Nam đã là nước có thu nhập trung bình theo chuẩn của Worldbank, trước cơ hội, thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - trọng tâm là công nghệ ứng dụng, khoa học kỹ thuật cao, đã thay đổi lực lượng sản xuất, tác động đến hiệu quả kinh tế, năng suất lao động của nhiều quốc gia. Chính vì vậy, Việt Nam cần có những cách làm mới, sáng tạo và phù hợp với tình hình mới.

TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Cách mạng công nghiệp lần 4 đang tạo ra cơ hôi cho Việt Nam nhưng cũng thách thức rất lớn. Các ứng dụng công nghệ mới, năng lương mới đã và đặt ra cho Việt Nam cơ hội rút ngắn khoảng cách phát triển, tận dụng nguồn lực mới cho tăng trưởng, phát triển. Năng lượng mặt trời có sẵn quanh năm trên cả nước, đặc biệt ở miền Trung và miền Nam. Thị trường pin mặt trời rất lớn nhưng khai thác tiềm năng này còn chậm do đòi hỏi chi phí phát triển cao.

Dịch vụ điện toán đám mây và di động xã hội (SMAC) mang lại cơ hội có thể bắt kịp với các quốc gia phát triển trong kỷ nguyên số, với điều kiện có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà khoa học, Chính phủ và doanh nghiệp.

Thương mại điện tử đã và đang xuất hiện khi các công ty nước ngoài xâm nhập thị trường và các công ty thương mại điện tử trong nước đang củng cố, sáp nhập để đứng vững trước sức ép cạnh tranh. Ước tính năm 2015, doanh số thương mại điện tử đạt mức 15 tỷ USD do số người sử dụng internet tăng nhanh và số người sử dụng điện thoại thông minh còn tăng nhanh hơn.

Tuy nhiên, những ứng dụng mua bán trực tuyến chậm tăng trưởng do thanh toán trực tuyến còn hạn chế, quan ngại về an ninh trong các giao dịch mua bán trực tuyến và vấn đề về dịch vụ logistics giao hàng... vẫn là những trở ngại đối với thị trường thương mại điện tử và cần được quan tâm giải quyết để tiếp tục phát triển nhanh.

Theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Cách mạng công nghiệp lần 4 không nói đâu xa, tác động ngay trực tiếp đến ngành thiết kế, đồ họa và kiến trúc của Việt Nam đó là công nghệ chế tác đắp chồng lớp (in ba chiều). Công nghệ này có thể mang lại nhiều cơ hội to lớn nhưng cũng đe dọa công nghiệp chế tạo truyền thống của Việt Nam. Khi công nghệ in ba chiều (3D) phát triển, công nghiệp chế tạo có xu hướng sẽ chuyển sang sản xuất quy mô nhỏ, phân bố rộng và sản xuất theo nhu cầu khách hàng. Những diễn biến đó sẽ khiến cho nhà đầu tư ở các nền kinh tế phát triển có thể chuyển các cơ sở sản xuất về nước họ.

Nguyễn Tuyền (http://dantri.com.vn/)

Copyright © 2008-2024 case.vn, All right reserved Contact us - About Case
Design by case.vn - Counter : 7097123 | Online : 31