(TP.HCM) - (CAN THO) - (VP.MIEN TRUNG)
Thứ hai, 16/04/2018, 11:18 GMT+7

Giải pháp cho vấn nạn an toàn thực phẩm: Sự vào cuộc của các nhà khoa học

An toàn thực phẩm hiện nay là vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.

Với mục đích huy động đội ngũ trí thức KHCN tham gia nghiên cứu, tư vấn và phản biện xã hội trong một số vấn đề liên quan đến thực hiện Luật An toàn thực phẩm, ngày 31/10/2017 tại Hà Nội, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức Diễn đàn khoa học “Thực trạng và giài pháp an toàn thực phẩm hiện nay ở Việt Nam”.

Diễn đàn do TS. Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tông thư ký LHHVN và bà Trần Việt Nga, Cục phó Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đồng chủ trì, thu hút sự tham gia của gần 60 đại biểu là các nhà khoa học trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đến tự Bộ Y tế; các ban, ngành liên quan; các hội thành viên và tổ chức KH&CN trực thuộc LHHVN: Hội Vina LAB; Hội KHKT An toàn thực phẩm Việt Nam; Hội Hóa học Hà Nội…

TS. Phạm Văn Tân nhận định ATTP là vấn đề thời sự được toàn xã hội quan tâm bởi nhiều loại bệnh tật đến với con người có liên quan đến vệ sinh, an toàn thực phẩm. Ngộ độc tập thể từ thực phẩm với số lượng lớn và liên tiếp xảy ra. Nhất là trong thời gian gần đây, cơ quan chức năng phát hiện hàng loạt những vi phạm nghiêm trọng về an toàn vệ sinh thực phẩm.

 
Ông Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn

Theo GS.TS Phan Thị Kim (Hội KHKT An toàn thực phẩm Việt Nam), ATTP là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, được tiếp cận với thực phẩm an toàn đang trở thành quyền cơ bản đối với mỗi con ngừơi. ATTP không chỉ ảnh hưởng trực tiếp, thừơng xuyên đến sức khỏe mà còn liên quan chặt chẽ đến năng suất, hiệu quả phát triển kinh tế, thương mại và an sinh xã hội.

Theo bà Kim, thời gian qua hệ thống văn bản chính sách pháp luật về ATTP đã được ban hành tưong đối đầy đủ và kịp thời, từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về ATTP. Ngoài ra, hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ATTP cũng đã được quan tâm và ban hành đồng bộ hơn nhằm phục vụ yêu cầu quản lý ATTP. Tuy nhiên còn quá nhiều quy định về quản lý ATTP gây khó khăn khi áp dụng; hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về vệ sinh ATTP chưa đồng bộ, còn thiếu và chồng chéo; tính khả thi và tính ổn định của các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP chưa cao cần sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tiễn; thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các sản phẩm thực phẩm truyền thống (các loại mắm, nem chua, tương, rượu…)

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Tử Cương, chuyên viên cao cấp Hội Nghề cá Việt Nam đã chỉ ra sự khác biệt trong việc triển khai Hiệp định về các biện pháp vệ sinh động thực vật của WTO (nêu trong Hiệp định SPS quy định các chỉ tiêu, yêu cầu của quá trình sản xuất, dich vụ liên quan tới an toàn thực phẩm; an toàn sức khoẻ động vật; an toàn sức khoẻ thực vật) giữa Việt Nam và các nước tham gia WTO.

Trong khi tại các nước thuộc Liên minh châu Âu chỉ có 1 đầu mối quản lý thì tại Việt Nam có tới 3 đầu mối gồm Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương Tại mỗi Bộ lại chia thành nhiều đầu mối quản lý gây ra không ít những khó khăn, chồng chéo về trách nhiệm. Điểm khác trong thực thi SPS ở Việt Nam và các nước thuộc Liên minh châu Âu là, EU chỉ có 1 điểm hỏi đáp và từng quốc gia chỉ cũng có 1 điểm hỏi đáp, còn lại Việt Nam có 3 điểm hỏi đáp tương ứng đặt tại 3 Bộ, có chức năng ngang nhau, không đủ nguồn lực và bị động. Điều này trái với Hiệp định SPS/WTO, gây khó khăn cho các nước khi giao dịch với Việt Nam.

Nhiều đại biểu tham dự diễn đàn.

Nhà nước cần rà soát bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về SPS; xây dựng giáo trình và tài liệu phổ biến kiến thức về SPS; tuyển chọn và đào tạo đội ngũ cán bộ làm việc tại cơ quan liên quan đến SPS và xã hội hóa công tác kiểm nghiệm, xét nghiệm nhằm đảm bảo thực thi tốt Hiệp định về an toàn thực phẩm SPS… ", ông Nguyễn Tử Cương kiến nghị.

Chia sẻ về kinh nghiệm tổ chức chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, PGS.TS Bùi Thi An, Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội đã giới thiệu với Diễn đàn về mô hình chuỗi siêu thị "Bữa ăn an toàn" vói sự tham gia của 5 nhà gồm: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà báo và người tiêu dùng hoąt động dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước. Theo đó, các doanh nghiệp để được lựa chọn tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm phải có giấy chứng nhận đủ diều kiện ATTP được các Sở NN&PTNT, Công Thương, Y tế lựa chọn, đề cử tham gia chuơng trình. Doanh nghiệp ký cam kết và chịu trách nhiệm về chất lượng thực phẩm đến từng bàn ăn của người tiêu dùng.

Chia sẻ về việc lạm dụng thuốc BVTV thái quá trong nông nghiệp, TS Nguyễn Kim Vân (Hội KHKT Bảo vệ thực phẩm Việt Nam) cho biết, thực trạng này gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng ATTP, bảo vệ môi trường cũng như việc xuất khẩu nông sản của nước ta. Bởi vậy đã có nhiều ý kiến phê phán thậm chí muốn loại trừ thuốc BVTV bằng mọi giá. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận đúng mức vai trò của thuốc BVTV trong thực tại và tương lai để có những biện pháp khả thi.

Để việc sử dụng thuốc BVTV đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm, TS Nguyễn Kim Vân kiến nghị Bộ NN&PTNT và cơ quan chuyên ngành tiếp tục rà soát, bổ sung, chỉnh sửa các Quyết định, Thông tư thi hành Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật để nhà nước phê duyệt; xây dựng lộ trình từ nay đến năm 2030 để loại bỏ dần những những thuốc BVTV độc hai, lạc hậu, tăng cường các loại thuốc tiên tiến, ít độc hại với con người và vật nuôi. Bên cạnh đó, nhà nước cần có chính sách cụ thể, ưu tiên thích hợp như giảm thuế, ưu tiên khuyến khích việc đăng ký và sử dụng thuốc BVTV đang sử dụng ở Việt Nam; có biện pháp quyết liệt để ngăn chặn việc sản xuất, buôn bán, kinh doanh thuốc BVTV bất hợp pháp, thuốc nhập lậu, thuốc giả; đẩy mạnh tuyêntruyền về công tác quản lý và sử dụng thuốc BVTV.

Ghi nhận ý kiến của các nhà khoa học, TS Phạm Văn Tân cho biết, LHHVN sẽ tiếp tục lấy ý kiến của các nhà khoa học về thực trạng và giải pháp ATTP hiện nay ở Việt Nam để tổng hợp, gửi đến các cơ quan có thẩm quyền nhằm góp phần cải thiện công tác an toàn thực phẩm của Việt Nam trong thời gian tới. 


Mai Hương
Bản tin thử nghiệm ngày nay số 3 - Tháng 01/2018

Copyright © 2008-2024 case.vn, All right reserved Contact us - About Case
Design by case.vn - Counter : 7098751 | Online : 567