(TP.HCM) - (CAN THO) - (VP.MIEN TRUNG)
Thứ năm, 19/04/2018, 10:10 GMT+7

CASE tập huấn phân tích vi sinh vật trong thực phẩm cho doanh nghiệp, đơn vị

Việc thành lập phòng thí nghiệm đạt chuẩn có ý nghĩa cấp thiết với các công ty trong lĩnh vực thực phẩm hiện nay, nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng trước vấn nạn thực phẩm bẩn.

Nhận định trên được anh Lê Quý Vương, một người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành thực phẩm chia sẻ tại buổi tập huấn “ Kỹ thuật cơ bản phân tích vi sinh vật trong thực phẩm” ngày 17.4. Buổi tập huấn do Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm TP.HCM (CASE) thuộc Sở KH&CN TP.HCM, tổ chức theo chủ trương nâng cao năng lực cho các phòng thí nghiệm.

Tuy nhiên, anh Vương cũng cho biết để thiết kế được phòng thử nghiệm vi sinh vật với các quy trình, thiết bị đạt chuẩn là điều không đơn giản. Đặc biệt, các tiêu chuẩn quy định theo chuẩn ISO 17025 rất nghiêm ngặt. Đây là lý do đại diện bộ phận thí nghiệm của nhiều doanh nghiệp, đơn vị đăng ký tham gia buổi tập huấn.

Đông đảo đại diện doanh nghiệp, đơn vị tham dự buổi tập huấn tại CASE

Về vấn đề thiết kế phòng thử nghiệm, ông Trương Huỳnh Anh Vũ, Phó trưởng phòng phân tích vi sinh của CASE, khẳng định: “Yêu cầu chung của thiết kế phòng thử nghiệm vi sinh vật phải đảm bảo không ảnh hưởng đến độ tin cậy của phép phân tích cũng như tránh nguy cơ tạp nhiễm chéo. Môi trường phòng thử nghiệm vi sinh vật tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao nên cần phải tuân thủ rất nghiêm ngặt các quy định.”

Theo đó, các phòng thử nghiệm phải đảm bảo xây dựng theo nguyên tắc “đường một chiều” của vật mẫu, tách riêng các hoạt động theo không gian/thời gian, thực hiện phòng ngừa thích hợp để đảm bảo phép thử và độ nguyên vẹn của mẫu, tránh các điều kiện vượt quá sự cho phép như nhiệt độ, bụi, độ ẩm…

“Thậm chí độ rung của tòa nhà cũng là một yếu tố cần xét đến bởi với những thiết bị đo có độ nhạy cao, độ rung của tòa nhà cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả đo”, ông Vũ cho hay.

Ngoài ra, tại buổi tập huấn các học viên còn tiếp nhận các quy định, kinh nghiệm về kỹ thuật tiệt trùng, khử nhiễm; lưu ý khi sử dụng một số thiết bị và dụng cụ; chuẩn bị môi trường nuôi cấy vi sinh vật cùng với các nguyên tắc kỹ thuật phân tích vi sinh vật.

 

Đánh giá cao về buổi tập huấn, anh Trịnh Thanh Tâm ở công ty Ajinomoto, cho biết: “Các nội dung tập huấn rất bổ ích. Mặc dù làm về vi sinh nhưng có nhiều kiến thức mình chưa biết. Qua buổi tập huấn mình thu nhận được nhiều thông tin giúp cho cải tiến hoạt động của công ty.”

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng những chương trình tập huấn tương tự nên được tổ chức thường xuyên, chuyên sâu hơn nữa để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

“Mình nghĩ nên có những buổi tập huấn tiếp theo, hướng đến những tiêu chuẩn quốc tế để vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm vừa tạo điều kiện để sản phẩm của doanh nghiệp tự tin xuất khẩu ra quốc tế”, anh Lê Quý Vương đề xuất.

Phạm Sơn (http://khampha.vn/)

Copyright © 2008-2024 case.vn, All right reserved Contact us - About Case
Design by case.vn - Counter : 7042276 | Online : 121