(TP.HCM) - (CAN THO) - (VP.MIEN TRUNG)
Thứ năm, 01/08/2019, 14:54 GMT+7

Vai trò của thử nghiệm trong các hiệp định thương mại tự do

Hiệp định thương mại tự do (FTA) là một Hiệp ước thương mại giữa hai hoặc nhiều quốc gia.

Theo đó, các nước sẽ tiến hành theo lộ trình việc cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan cũng như phi thuế quan nhằm tiến tới việc thành lập một khu vực mậu dịch tự do. Theo thống kê của Tổ chức thương mại thế giới, có hơn 200 Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. Các Hiệp định thương mại tự do có thể được thực hiện giữa hai nước riêng lẻ hoặc có thể đạt được giữa một khối thương mại và một quốc gia như Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam, hoặc Hiệp đinh thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc.

Để hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã ký kết nhiều FTA song phương, như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA); Hiệp định khu vực mậu dịch tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Chile (VCFTA) và Liên minh kinh tế Việt Nam – Á Âu (EAEU). Việt Nam cũng đã cùng ASEAN ký kết và triển khai thực các Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA); Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA); Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Nhật Bản (AJFTA); Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA); Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA) và Khu vực thương mại tự do giữa các nước ASEAN (AFTA).

Ngày 17/10/2018, Ủy ban châu Âu thông qua việc đệ trình Hiệp định tự do thương mại và Hiệp định bảo hộ đầu tư với Việt Nam, chuẩn bị cho việc ký kết và hoàn tất tiến trình. EVFTA xóa bỏ trên 99% thuế quan với hàng hóa giao thương giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU); Thỏa thuận cũng sẽ giải quyết hàng rào phi thuế quan trong ngành ôtô và bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho 169 sản phẩm của Châu Âu, tạo điều kiện cho các công ty EU tham gia đấu thầu bình đẳng với công ty Việt trong hợp đồng công.

Chiều 12/11/2018, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Mục tiêu chính của TPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. Để thực hiện điều này, TPP sẽ còn thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước thành viên, như: sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, hay an toàn lao động…

Như vậy, có thể khẳng định, việc ký kết, thỏa thuận các FTA là điều tất yếu, không thể tránh khỏi của các quốc gia muốn hội nhập kinh tế quốc tế. Về cơ bản, các FTA mang lại rất nhiều lợi ích cho các quốc gia thành viên như: thu hút đầu tư, mở rộng thị trường, tiếp cận công nghệ mới. Người dân được tiếp cận sản phẩm rẻ hơn và được “hưởng thụ” nhiều hơn khi tham gia các FTA. Về bản chất, các FTA đều có nhiệm vụ gỡ bỏ rào cản thuế quan, tạo điều kiện tự do giao lưu trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia.

Tuy nhiên, do trình độ sản xuất giữa các quốc gia có sự cách biệt khá rõ rệt nên mức chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cũng rất khác nhau. Do vậy, tuy rào cản thuế quan bị dỡ bỏ nhưng chắc chắn rằng, giữa các quốc gia thành viên phải tồn tại “rào cản” nào đó để bảo vệ người tiêu dùng trong thị trường của mình, tránh khỏi việc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường sống và môi trường sản xuất trong nước. Đó là lý do khi đàm phán thiết lập các hiệp định thương mại tự do thì bao giờ cũng có các nội dung đàm phán liên quan đến: sở hữu trí tuệ, hay an toàn lao động, chất lượng sản phẩm dịch vụ, các biện pháp khẩn cấp bảo vệ sản xuất nông nghiệp, môi trường sống, vv… Các nội dung này sẽ tạo nên “rào cản kỹ thuật” trong thương mại.

Thông thường, các “rào cản kỹ thuật” được dựng lên phụ thuộc hoàn toàn vào trình độ sản xuất và trình độ khoa học công nghệ của nhóm các quốc gia phát triển. Và đương nhiên, “kẻ” chịu thiệt thòi là những quốc gia chưa phát triển hoặc đang phát triển như Việt Nam. Các quốc gia “chiếu trên” luôn luôn đòi hỏi chất lượng sản phẩm dịch vụ ở mức cao và thậm chí đưa ra những yêu cầu kỹ thuật phi lý buộc các quốc gia “chiếu dưới” lệ thuộc vào công nghệ, kỹ thuật, thậm chí bản quyền sở hữu trí tuệ của các quốc gia “chiếu trên” thông qua các “tiêu chuẩn kỹ thuật” về dịch vụ, sản phẩm, môi trường, vv… được ban hành bởi các tổ chức quốc tế mà trong đó, các mức chất lượng hay mức yêu cầu kỹ thuật rất cao.

Các quốc gia “chiếu dưới” muốn gỡ bỏ những yêu cầu trong các “tiêu chuẩn kỹ thuật” đó buộc phải đầu tư nghiên cứu cơ bản, thậm chí phải chấp nhận “luật chơi” về kỹ thuật của các hiệp định thương mại tư do nếu muốn “tự do” thương mại.

Đâu là con đường để các quốc gia “chiếu dưới” có thể gỡ bỏ được “rào cản kỹ thuật”? Đây là câu hỏi lớn mà đáng lẽ ra, trước khi trở thành thành viên chính thức của hiệp định thương mại nào, thì quốc gia thành viên phải có câu trả lời để chuẩn bị hành trang tham gia hiệp định đó. Nếu không, việc tham gia các FTA sẽ không phát huy được tác dụng tích cực mà chỉ hứng lấy mặt tiêu cực của nó. Vậy đâu là câu trả lời?

Thứ nhất: Chủ động giải quyết vấn đề từ gốc. Sau khi Trung Quốc phát động phong trào “Made n China 2025”, chúng ta thấy, Trung Quốc rất tích cực tham gia vào hoạt động của các tiêu chuẩn hóa quốc tế. Khi tham dự các cuộc họp của các tổ chức ISO, Codex, OIE, IPPC, APLAC, PAC, vv… chúng ta đều thấy, lực lượng áp đảo của Trung Quốc tham gia và tham gia một cách tích cực. Với cách làm này, đến năm 2025, các tiêu chuẩn Trung Quốc có khả năng cao trở thành các tiêu chuẩn quốc tế vì tinh thần Trung Quốc đã được tiêu chuẩn hóa thành tiêu chuẩn quốc tế thông qua các cuộc họp của các tổ chức trên. Và đến lúc này, Trung Quốc mới là quốc gia làm chủ các “rào cản kỹ thuật”. Từ đây, chúng ta thấy, để giải quyết cái gốc của “rào cản kỹ thuật” thì con đường khôn ngoan nhất phải tham gia hoạt động của các tổ chức quốc tế một cách nhiệt tình, có trách nhiệm để chủ động giảm thiểu tác động của các “rào cản kỹ thuật” tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của quốc gia mình sau này.

Thứ hai: Nếu không chủ động giải quyết vấn đề “rào cản kỹ thuật” từ gốc thì cần phải chủ động đối phó với “rào cản kỹ thuật” một cách đúng luật, phù hợp với thông lệ quốc tế. Nội dung của các “rào cản kỹ thuật” thường được núp bóng dưới các tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc quy định quản lý khác. Ví dụ như: Dư lượng kháng sinh nào đó trong tôm không lớn hơn 10 10w/w, trong khi khả năng phát hiện của các thiết bị thử nghiệm thông thường chỉ có thể phát hiện được dư lượng kháng sinh đến 10-9w/w; Khai thác thủy sản không được dùng lưới có thể đánh bắt được rùa biển (núp danh tiêu chuẩn bảo vệ môi trường phát triển bền vững); Sản phẩm gỗ phải được chế biến từ gỗ có nguồn gốc rõ ràng (tiêu chuẩn FSC); Cá tra phải được nuôi trồng đảm bảo phát triển bền vững (Tiêu chuẩn ASC); Sản phẩm được chứng nhận hữu cơ phải đảm bảo có nguồn gốc hữu cơ trên 95% (Tiêu chuẩn hữu cơ USDA), vv...


Đó là chưa kể trong các tiêu chuẩn đó lại chứa đựng nhiều yêu cầu kỹ thuật mang tính rào cản khác.

Do vậy, để giảm thiểu ảnh hưởng của các “rào cản kỹ thuật” phi kỹ thuật thì điều cần thiết phải nâng cao năng lực của hoạt động đánh giá sự phù hợp đáp ứng các yêu cầu của chuẩn mực quốc tế, bao gồm các hoạt động đánh giá chứng nhận, thử nghiệm và giám định. Các tổ chức đánh giá sự phù hợp phải nhận thức được sứ mệnh và trách nhiệm của mình trong việc gỡ bỏ “rào cản kỹ thuật” trong thương mại bằng cách, nâng cao năng lực của mình tương đương với các tổ chức đánh giá sự phù hợp quốc tế, buộc thị trường các quốc gia thành viên phải thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp của các tổ chức đánh giá sự phù hợp của Việt Nam. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam có đủ điều kiện tự do xâm nhập thị trường của các quốc gia tham gia FTA.

Thử nghiệm, chứng nhận hay giám định đều có vai trò riêng, khác nhau trong nhiệm vụ gỡ bỏ “rào cản kỹ thuật”. Cho nên, mỗi loại hình này cần có cách thức khác nhau trong việc nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu quốc tế. Trong các loại hình đánh giá sự phù hợp thì thử nghiệm gặp nhiều khó khăn nhất trong việc nâng cao năng lực đáp ứng các chuẩn mực quốc tế. Bởi vì, chứng nhận, giám định đòi hỏi cần có chuyên gia tầm quốc tế, còn thử ng-hiệm ngoài nhu cầu nhân lực lại cần phải đầu tư lớn và phải có hệ thống quản lý chất lượng đủ tạo niềm tin cho các bên liên quan.

Như vậy, khi Việt Nam gia nhập các FTA, muốn để các cơ sở sản xuất kinh doanh của Việt Nam được thụ hưởng tự do trao đổi hàng hóa đúng nghĩa thì thử nghiệm Việt Nam sẽ phải đảm nhận vai trò gỡ bỏ các “rào cản kỹ thuật” do các quốc gia thành viên khác dựng lên, nhằm hạn chế lưu thông hàng hóa vào thị trường của họ. Để đảm nhận nhiệm vụ của việc gỡ bỏ rào cản này, các phòng thử nghiệm phải:

(i) Có đủ năng lực thử nghiệm tương đương với năng lực thử nghiệm tại các quốc gia thành viên khác;

(ii) Cung cấp kết quả thử nghiệm một cách tin cậy qua việc sẵn sàng minh bạch, công khai các bằng chứng khách quan trong quá trình thử nghiệm;

Có hệ sinh thái thử nghiệm đáp ứng yêu cầu của các tiêu chuẩn quốc tế.

Nếu các phòng thử nghiệm không đáp ứng được ba điều trên thì không những các phòng thử nghiệm không giúp gì được hoạt động sản xuất, kinh doanh của Việt Nam mà bản thân các phòng thử nghiệm cũng sẽ phải phá sản. Vì khi đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh của Việt Nam buộc phải sử dụng các dịch vụ thử nghiệm của các phòng thử nghiệm nước ngoài. Để thực hiện việc này, đòi hỏi không chỉ sự nỗ lực của mỗi phòng thử nghiệm mà cần có sự tham gia của tất cả các phòng thử nghiệm và đặc biệt là vai trò của Hội các phòng thử nghiệm Việt Nam.

Ngoài ra, không thể đứng ngoài vòng là vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thiết lập hành lang pháp lý mở để các phòng thử nghiệm được chủ động trong hoạt động của mình, đồng thời phải đảm bảo sân chơi công bằng cho các phòng thử nghiệm trên cơ sở không dung túng cho làm ăn gian dối, không phân biệt sở hữu.

Thật là, đứng trước một sự kiện, đều có cơ hội hay thách thức. Quan trọng là cách chúng ta đón nhận nó và hành xử với nó.


Nguyên Dung
Tạp chí Thử nghiệm Ngày nay số 15+16 tháng 1+2/2019


Copyright © 2008-2024 case.vn, All right reserved Contact us - About Case
Design by case.vn - Counter : 7083605 | Online : 436