(TP.HCM) - (CAN THO) - (VP.MIEN TRUNG)
Thứ ba, 23/12/2014, 9:8 GMT+7

Những ký ức và kỷ niệm về một số hợp tác Pháp-Việt

Kỳ 1 : Nguồn gốc của việc xây dựng Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm tại thành phố Hồ Chí Minh

BA MƯƠI NĂM
TRUNG TÂM DỊCH VỤ PHÂN TÍCH VÀ THÍ NGHIỆM
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Tác giả : Nguyễn Quý Đạo
Giám đốc nghiên cứu danh dự tại CNRS
Giáo sư danh dự tại Ecole Centrale Paris
Chủ tịch Ủy ban Tư vấn Pháp đối với Việt Nam
Cựu Giám đốc Văn phòng Khu vực Đông Nam Á của CNRS tại Hà Nội, Việt Nam

Honoré de Balzac đã viết trong Le Cousin Pons: "Những biến cố đã qua tạo tiền đề cho những sự kiện sẽ đến"; Tôi không thể quên những nỗ lực, thành tích và công việc của những người đi trước chúng ta trong việc mở ra sự hợp tác này giữa Pháp-Việt Nam.
(Trích từ báo cáo "Hội thảo mùa hè về các phương pháp hóa phân tích", vào tháng Tám năm 1983, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Nguyễn Quý Đạo và cán bộ giảng dạy của Khóa học mùa hè).

"...Ngài chủ tịch (UBND TP Hồ Chí Minh 1chú thích của tác giả ) đã nhắc tôi nhớ rằng, vào lúc này, tôi có ở đây một bảng ghi chú với một danh sách dài những thành tựu, trong số những tổ chức hiện đang hoạt động thiết thực tại TP Hồ Chí Minh,... (đó là 2chú thích của tác giả ) Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm, một trung tâm sẽ trở thành một trong những phòng thí nghiệm tiên tiến nhất, như người ta thường nói, trong khu vực…".  

Đây là một đoạn trích từ bài phát biểu của Ngài François Mitterrand, Tổng thống Cộng hòa Pháp, trong chuyến thăm Ủy ban nhân dân thành phố HCM, để nối lại quan hệ hợp tác song phương và củng cố cộng đồng ngôn ngữ Pháp-Việt đã hoạt động gần 20 năm (diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, ngày 11 tháng hai năm 1993).

Nhân dịp năm Pháp-Việt 2013-2014, tôi xin ghi lại một số ký ức trong chương trình hợp tác Pháp-Việt mà chúng tôi đã khởi đầu với các đồng nghiệp Pháp và Việt Nam, và theo thời gian, chương trình vẫn đang tiếp tục nhịp nhàng. Nhiều chương trình trong số đó vẫn đang phát triển dưới sự điều hành hoàn toàn của phía Việt Nam. Những thành tựu đó như những nhân chứng sống cho sự thành công của quan hệ hợp tác song phương.

Tài liệu tham khảo và bổ sung:

  1. Bài phỏng vấn Nguyễn Quý Đạo của Sylvie de Muizon, Le Bull d’Aire developpement, Bulletin trimestriel, số 9, tháng 3 năm 1998.
  2. Xây dựng Trung Tâm Dịch Vụ Phân Tích Thí Nghiệm TP Hồ Chí Minh. Phạm Quang Thọ, 2008.
  3. Các ví dụ trong khuôn khổ hợp tác với Việt Nam. Trung tâm phân tích thí nghiệm, Pierre Vermeulin, “Việt Nam, tấm gương hợp tác, Henri van Regemorter, hành trình của một chiến sĩ” CCSTVN, L’Harmattan, 2004, từ trang 111-118.

KỲ 1
NGUỒN GỐC CỦA VIỆC XÂY DỰNG TRUNG TÂM DỊCH VỤ PHÂN TÍCH  THÍ NGHIỆM TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Năm 1976, một năm sau khi Việt Nam thống nhất, bầu không khí khẩn trương xây dựng lại đất nước đã bị tàn phá bởi nhiều thập kỷ do chiến tranh tàn khốc. Người Việt Nam tại Pháp, dưới sự bảo trợ của Tổng Hội người Việt Nam tại Pháp, nhiệt tình thành lập Hiệp hội các nhà khoa học và chuyên gia tại Pháp chuyên về các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật như Toán học, Công nghệ thông tin, Xây dựng dân dụng, .... Sau đó tôi được các nhà hóa học đồng nghiệp bầu làm Chủ tịch Hội Hóa học.

Đúng như dự đoán, rất nhiều vấn đề nảy sinh cho chúng tôi trong giai đoạn thống nhất đất nước. Chúng tôi theo dõi những tin tức Việt Nam qua báo chí. Lúc bấy giờ còn chưa có Internet !

Một sự kiện khủng khiếp đã xảy ra và thu hút sự chú ý của chúng tôi : vào cuối thập niên 1970 tại thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, nhiều trẻ sơ sinh bị chết sau khi được xoa phấn rôm. Điều này gợi chúng tôi nhớ lại những ký ức đau đớn của vụ phấn rôm Morhange vài năm trước ở Pháp. Trong trường hợp của Việt Nam, nguyên nhân là do sử dụng sản phẩm giả được sản xuất trong nước. Lương tâm và trách nhiệm thôi thúc chúng tôi hành động. Là những nhà hóa học, chúng tôi đã thảo luận với nhau rằng nếu Việt Nam có một trung tâm phân tích với các thiết bị đầy đủ, thậm chí không cần quá hiện đại, cho phép thực hiện phân tích hóa học nhanh chóng, một bi kịch như vậy đã không xảy ra! Ý tưởng xây dựng một trung tâm phân tích hóa học ở Việt Nam ra đời như thế. Để đạt được dự án đầy tham vọng này, chúng tôi đã phải chuẩn bị một cách cẩn thận, tỉ mỉ từng giai đoạn.

Cơ hội và Trực giác: vài năm trước, Hội Hóa học tại Pháp của chúng tôi đã có sáng kiến tổ chức một cuộc họp về chủ đề Hóa học phân tích, với mục đích thống kê khả năng của các nhà hóa học Việt Nam tại Pháp. Đây là hội thảo đầu tiên về các phương pháp phân tích hóa học, diễn ra tại trường Đại học Paris-Orsay vào ngày 6-7 tháng 11 năm 1976 3. Đã có hơn một trăm nhà hóa học người Việt nam từ khắp nơi trên nước Pháp. Hội thảo thu được thành công lớn qua đó cho phép chúng tôi nắm biết lĩnh vực chuyên môn của từng nhà khoa học! Tuy nhiên, để thực hiện dự án xây dựng một trung tâm phân tích hóa học ở Việt Nam, thì chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều vấn đề: thuyết phục các nhà chức trách Việt Nam những giá trị của dự án để họ chấp thuận, tìm kiếm nguồn tài chính, tìm kiếm các chuyên gia Pháp có thẩm quyền đồng ý tham gia xúc tiến dự án. ...

Năm 1982, tôi được ông Nguyễn Ngọc Trân 4 –  Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (tiền thân của Bộ Khoa học và Công nghệ) mời đến để nghiên cứu tính khả thi của dự án: địa điểm để xây dựng Trung tâm trong tương lai , về phía Việt Nam ai sẽ tài trợ cho các dự án và bằng cách nào? Sau khi cân nhắc giữa các Bộ củaViệt Nam, đèn xanh đã được bật cho chủ trương thành lập một Trung tâm đặt tại thành phố Hồ Chí Minh dưới sự quản lý của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Uỷ Ban Nhân Dân TPHCM

Sự chấp thuận này đã đưa tôi đến những vấn đề tiếp theo, về phía Pháp, làm thế nào để đạt được hiện thực hóa dự án này. 5

Chú thích:

3 Hội nghị về Phương pháp Phân Tích, Orsay, ngày 6-7 tháng 11 năm 1976 - Hiệp Hội Khoa Học Kỳ Thuật Việt Nam Tai Pháp.
4 Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và Công nghệ Việt nam, là đồng Chủ tịch của Ủy ban liên chính phủ hỗn hợp về văn hóa, hợp tác khoa học và kỹ thuật giữa Việt Nam và Pháp 1982-1992. Ông là nghiên cứu viên của CNRS, sau là Giáo sư Đại học tại Poitiers trước khi trở về Việt Nam vào năm 1976.
5 Xem thư mời của Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân trong phụ lục.

Thư mời của Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân - Phó Chủ nhiệm
Uỷ ban Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Quý Đạo
Chịu trách nhiệm đăng tải: Chu Vân Hải

Copyright © 2008-2024 case.vn, All right reserved Contact us - About Case
Design by case.vn - Counter : 7100432 | Online : 260