(TP.HCM) - (CAN THO) - (VP.MIEN TRUNG)
Thứ hai, 25/11/2024, 14:56 GMT+7

HỒ CHÍ MINH VÀ NHỮNG VẦN THƠ


(19/05/1890 – 02/09/1969)

1.    Những bài thơ của Hồ Chí Minh khi ở trong tù:
1.1.     Bài thơ “Chiều tối”
“Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây nhè nhẹ giữa tầng không
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết, lò than đã rực hồng.”
-    Bài thơ “Chiều tối” cho thấy tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, ý chí vượt lên trên hoàn cảnh khắc nghiệt của người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh.
1.2.     Bài thơ “ Tự khuyên mình”
“Ví không có cảnh đông tàn
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân
Nghĩ mình trong bước gian truân
Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng”
-    Bài thơ “Tự khuyên mình” như là một lời khuyên, một lời răn dạy dành cho mỗi chúng ta về tinh thần lạc quan, tinh thần rèn luyện để trở thành một người tốt. Bước qua được những khó khăn, gian khổ thì con người mới thật sự trở nên kiên cường và mạnh mẽ.
1.3.     Bài thơ “Ngắm trăng”
“Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”
-    Bài thơ “Ngắm trăng” cho thấy tình yêu thiên nhiên, tinh thần lạc quan và phong thái ung dung tự tại của Bác dù đang phải chịu cảnh tù đày.
2.    Những bài thơ của Hồ Chí Minh về thiên nhiên:
2.1.     Bài thơ “Cảnh khuya”
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.
Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.”
-    Bài thơ “Cảnh khuya” cho thấy tình yêu thiên nhiên của Bác. Với Bác, yêu thiên nhiên cũng là yêu nước vì vầng trăng sáng, cây cỏ ấy, núi sông này là một phần yêu quí của thiên nhiên đất nước. Tình yêu nước bao la, ý chí chiến đấu vì nhân dân, Tổ quốc khiến Người nhìn thiên nhiên đất nước thêm giàu thêm đẹp và ngược lại, lòng yêu mến cảnh vật thiên nhiên đất nước là một động cơ thúc đẩy Người thêm lo “nỗi nước nhà”.
2.2.     Bài thơ “Cảnh rừng Việt Bắc”
“Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay,
Vượn hót chim kêu suốt cả ngày,
Khách đến thì mời ngô nếp nướng,
Săn về thường chén thịt rừng quay,
Non xanh, nước biếc tha hồ dạo,
Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say.
Kháng chiến thành công ta trở lại,
Trăng xưa, hạc cũ với xuân này.”
-    Bài thơ “Cảnh rừng Việt Bắc” cho thấy cuộc sống bình dị, giản đơn của những ngày Bác ở chiến khu Việt Bắc, cùng với khát vọng và niềm tin của Bác vào một ngày kháng chiến thành công, nước nhà độc lập.
2.3.     Bài thơ “Rằm tháng Giêng”
“Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.”
-    Bài thơ “Rằm tháng Giêng” miêu tả cảnh trăng sáng ở chiến khu Việt Bắc trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, qua đó thể hiện tình yêu thiên nhiên, tâm hồn nhạy cảm cùng tinh thần yêu nước sâu nặng của Bác Hồ.
3.    Những bài thơ của Hồ Chí Minh về cách mạng:
3.1.     Bài thơ “Đi đường”:
“Đi đường mới biết gian lao,
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng;
Núi cao lên đến tận cùng,
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.”
-    Bài thơ “Đi đường” (Tẩu lộ) của Hồ Chí Minh ra đời trong những năm tháng Người bị giam cầm trong nhà lao Tưởng Giới Thạch, khi Người bị chuyển từ nhà lao này sang nhà lao khác, trải qua những cung đường gian nan và khắc nghiệt. Trong hoàn cảnh đó, bài thơ là một tuyên ngôn về tinh thần thép, sức mạnh ý chí và lòng lạc quan của một chiến sĩ cách mạng.
-    Bức tranh về tác phẩm thể hiện sự vất vả, gian khổ của con đường mà Bác phải trải qua. Thế nhưng, Hồ Chí Minh vẫn luôn giữ vững tinh thần, niềm tin vào mục tiêu cách mạng và con đường lý tưởng của mình.
3.2.     Bài thơ “Cảnh rừng Pác Bó”:
“Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng.
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,
Cuộc đời cách mạng thật là sang.”

-    Bài thơ “Cảnh rừng Pác Bó” của Hồ Chí Minh là một tác phẩm nghệ thuật xuất sắc, phản ánh cuộc sống khắc nghiệt nhưng tinh thần cách mạng luôn rực cháy của Bác và đồng đội trong thời gian ẩn náu tại Pác Bó.
-    “Cuộc đời cách mạng thật là sang” là câu nói thể hiện niềm tự hào, ngọn lửa tình yêu đối với cách mạng của Bác. Dù cho cuộc sống cách mạng đầy thách thức, gian khổ, nhưng đó là lý tưởng sống cao quý, vì mục tiêu lớn lao là độc lập tự do cho dân tộc.
3.3.     Bài thơ “Không ngủ được”:
“Một canh, hai canh lại ba canh
Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng lành
Canh bốn canh năm vừa chợp mắt
Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”
-    Bài thơ “Không ngủ được” kể về một đêm không ngủ của Bác Hồ vì lo nỗi nước nhà. Đồng thời cũng thể hiện mong ước của Bác về một ngày Cách mạng thành công, đất nước được tự do, người dân được no ấm, hạnh phúc.
4.    Những bài thơ của Hồ Chí Minh về tình yêu nước:
4.1.     Bài thơ “Bấy lâu mơ ngủ mãi chưa thôi”
“Bấy lâu mơ ngủ mãi chưa thôi
Cách mệnh ồn ào khắp mọi nơi
Này trống Văn minh khua dậy đất
Kìa chuông Độc lập gõ vang giời”
-    Bài thơ “Bấy lâu mơ ngủ mãi chưa thôi” thể hiện niềm khát vọng của Bác về “chuông Độc lập, trống Văn minh”, về tinh thần cách mạng của những người con yêu nước, khát khao chờ mong ngày nước nhà độc lập.
4.2.     Bài thơ “Sáu mươi tuổi”
“Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán,
So với ông Bành vẫn thiếu niên.
Ăn khoẻ, ngủ ngon, làm việc khoẻ,
Trần mà như thế kém gì tiên!”
-    Bài thơ “Sáu mươi tuổi” được Bác viết vừa năm Bác sáu mươi tuổi, giai đoạn đó Bác đang sống và hoạt động kháng chiến tại chiến khu Việt Bắc. Dù điều kiện sống lúc bấy giờ rất gian khổ và căng thẳng, nhưng Bác vẫn thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời, sống hăng say, tích cực dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
4.3.     Bài thơ “Bảy mươi tư tuổi vẫn không già”
“Bảy mươi tư tuổi vẫn không già
Cố gắng làm tròn nhiệm vụ ta
Bao giờ Nam Bắc một nhà
Dân giàu nước mạnh thì ta vui lòng.”
-    Bài thơ “Bảy mươi tư tuổi vẫn không già” được Bác viết nhân dịp sinh nhật năm bảy mươi tư tuổi, trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn thử thách, đầy khó khăn. Lời thơ của Bác như gieo vào lòng mỗi người hạt giống niềm tin mãnh liệt vào ngày nước nhà thống nhất, Nam Bắc một nhà, xây dựng Chủ nghĩa Xã hội dân giàu nước mạnh thì lúc đó Bác mới yên lòng.
5.    Lời khuyên dạy của Bác Hồ:
5.1.     Hồ Chí Minh – Cần, kiệm, liêm, chính:
“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.
Thiếu một mùa, thì không thành trời,
Thiếu một phương, thì không thành đất,
Thiếu một đức, thì không thành người.”
-    Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết: “Thế nào là Cần”, ký bút danh Lê Quyết Thắng, đăng trên báo Cứu quốc, số 1255, ra ngày 30 tháng 5 năm 1949. Bác đã đúc kết đức: cần, kiệm, liêm, chính là những phẩm chất cần phải có của mỗi con người, giống như quy luật tất yếu của tự nhiên. Mỗi người, nhất là những người có vị trí ảnh hưởng đối với xã hội, đối với cộng đồng phải luôn phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành theo 4 đức: cần, kiệm, liêm, chính; thiếu một đức tính cũng không thành người.
5.2. 5 điều Bác Hồ dạy:
“1. Yêu tổ quốc, yêu đồng bào
2. Học tập tốt, lao động tốt
3. Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
4. Giữ gìn vệ sinh thật tốt
5. Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”
- Ngày 15-5-1961, kỷ niệm 20 năm thành lập đội Thiếu niên tiền phong, Bác gửi lá thư đến thiếu nhi cả nước với năm lời dạy thiêng liêng. Năm điều Bác Hồ dạy thể hiện sâu sắc sự quan tâm của Người đến việc giáo dục thiếu niên nhi đồng, gửi gắm cả trong đó kì vọng vào một thế hệ người Việt Nam đủ đức, đủ tài để làm rạng danh đất nước, “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. /
Copyright © 2008-2024 case.vn, All right reserved Contact us - About Case
Design by case.vn - Counter : 7713357 | Online : 246