Viện Y tế quốc gia Mỹ cũng đã xem xét lại một số trường hợp
các nhà nghiên cứu có hợp tác nước ngoài.
Cơ quan thứ nhất, đặt tại Nhà Trắng, có thể điều phối hoạt động của hơn 10 cơ quan chính phủ để bảo vệ các dự án nghiên cứu do chính phủ liên bang tài trợ khỏi các cuộc tấn công mạng, ăn cắp công nghệ và những mối lo ngại khác từ nước ngoài. Cơ quan thứ hai do Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học quốc gia Mỹ (NASEM) thành lập sẽ tập hợp các nhà nghiên cứu, các quan chức chính phủ và các nhà công nghiệp để cố vấn cho chính phủ những cách thức đảm bảo an ninh quốc gia mà không làm ảnh hưởng đến những mối hợp tác quốc tế.
Ngoài ra Đạo luật Cấp thẩm quyền quốc phòng quốc gia (NDAA) bao gồm một điều khoản yêu cầu giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia thực hiện một báo cáo để nhận diện “những nghiên cứu mang tính nhạy cảm… có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia” đang được các trường đại học Mỹ triển khai và có thể bị các cơ quan, tổ chức nước ngoài quan tâm sẽ được phê duyệt.
Các quy định của NDAA được đưa ra nhằm đối phó với tình hình đang khiến Chính phủ Mỹ ngày một lo ngại: những cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc và các viện hợp tác, đang có xu hướng nhắm đến một cách có hệ thống và có chủ đích quyền sở hữu tài sản trí tuệ từ các nghiên cứu do Chính phủ Mỹ đầu tư. Viện Y tế quốc gia Mỹ và những cơ quan đầu tư cho nghiên cứu cấp liên bàn đã thẳng tay xử phạt những nhà nghiên cứu được họ cấp kinh phí nghiên cứu chia sẻ tài liệu nghiên cứu với các đối tác nước ngoài. Các trường đại học cũng vào cuộc khi sa thải một số nhà nghiên cứu liên bang đến những trường hợp này và thậm chí, các ủy viên công tố đã lập hồ sơ tội phạm với ít nhất hai nhà khoa học bị cáo buộc đã vi phạm các quy tắc liên bang.
Bản cuối cùng của đạo luật NDAA được công bố vào tối ngày 10/12 theo giờ địa phương, cơ bản ngả theo hướng tiếp cận của Nhà Trắng. Phó chủ tịch phụ trách chính sách của Hiệp hội các trường đại học Mỹ ở Washington Tobin Smith đánh giá đây là một “tin tuyệt vời”. Ông lưu ý, cố vấn khoa học của Tổng thống Donald Trump là Kelvin Droegemeier đã tạo ra một lực lượng liên ngành để nhằm đối phó với ảnh hưởng nước ngoài, dưới quyền của Văn phòng Chính sách KH&CN Nhà Trắng. “Vì thế, ông ấy cứ tiếp tục mà không cần chờ đợi các quy định pháp lý. Tôi phải công nhận điều đó”, Smith nói. Cùng với một loạt công việc khác, cơ quan này đang kiểm tra các cách thức để chuẩn hóa các chính sách giữa các cơ quan tài trợ cấp liên bang và các cộng đồng khoa học hàn lâm và giáo dục để nhằm bảo vệ các nghiên cứu của họ.
Smith cho biết ông đang chờ đợi việc thành lập cơ quan thứ hai của NASEM – sẽ cung cấp cho cả giới hàn lâm và giới công nghệ những cách luận giải rõ ràng hơn về các vấn đề chính sách còn đang tranh cãi, cũng như nhằm tạo ra một diễn đàn chung để thảo luận về các vấn đề phức tạp. Dự luật quốc phòng kêu gọi một báo cáo cuối cùng vào năm 2024, khi nhiệm vụ bàn tròn này hết thời hạn hoạt động. Nhưng Smith lưu ý rằng Quốc hội vẫn phải phê duyệt nguồn kinh phí để vận hành bàn tròn (Nhà trắng đã đề xuất cung cấp 3 triệu USD).
Trong khi đó, báo cáo mới nhất về các nghiên cứu khoa học “nhạy cảm” dường như đã làm mới lại cuộc thảo luận sôi nổi xung quanh việc Chính phủ Mỹ có thể bảo mật các nghiên cứu cơ bản tiên tiến nhất trước “bàn tay” của các đối phương ra sao. Từ những năm 1980, Tổng thống Ronald Reagan đã ban hành một tài liệu hướng dẫn có tính pháp lý, trong đó kêu gọi các quan chức chính phủ phải phân loại mức độ bí mật của các nghiên cứu mà họ cho rằng không nên chia sẻ hoặc đơn giản là công bố công khai. Quá trình phân loại thông tin để kiểm soát, chẳng hạn như để dán nhãn “nhạy cảm nhưng chưa được phân loại là tài liệu mật” có xu hướng gây tranh cãi, nhầm lẫn.
Nhìn từ lịch sử đó, Smith cho rằng cụm từ “nghiên cứu nhạy cảm” là một cảnh báo. “Tôi nghĩ rằng mục đích nằm trong báo cáo mới mang ý nghĩa tốt bởi họ muốn cung cấp một cách thức rõ ràng” trong việc xác định các loại kết quả nghiên cứu cần được bảo vệ, ông nói. Nhưng những định nghĩa như vậy có thể rất phức tạp, khó hiểu và khó áp dụng.
Đạo luật NDAA này, chủ yếu đặt ra các khuôn khổ pháp lý và mức chi cho Bộ Quốc phòng, được coi là một trong số ít các dự luật mà Quốc hội phải thông qua mỗi năm. Các nhà lập pháp dự kiến sẽ phê duyệt sớm nhất là trong tuần này và gửi cho Trump.
Thanh Thu (dịch)
(Theo Sciencemag)
Khoa học và Phát triển số 1061 (số 50/2019)